Một ngày đầu tháng 12, ông Nam (87 tuổi) và bà Vân (77 tuổi) đến TAND TP Hà Tĩnh với tư cách bị đơn trong phiên xử dân sự chia quyền thừa kế theo đơn kiện của con dâu tên Hoa (34 tuổi). Tuy nhiên, do hai ông bà bất ngờ ngất xỉu trước khi tòa mới bắt đầu làm việc, phiên xử phải dừng lại và chưa hẹn ngày mở tiếp.
Theo trình bày của bà Vân, khoảng 10 năm trước con trai bà là anh Tú đi xuất khẩu lao động ở Đức về, muốn mua đất làm nhà cưới vợ. Năm 2006, anh Tú được chị gái chuyển nhượng một miếng đất 100 m2 có hai mặt tiền ở trung tâm TP Hà Tĩnh.
Một năm sau, anh Tú cưới chị Hoa, xây nhà trên mảnh đất này. Năm 2011 anh Tú bị bệnh u não mãn tính, qua đời. Từ ngày đó, chị Hoa sống một mình nuôi con tại ngôi nhà.
"Khoảng cuối năm 2014, Hoa đề nghị vợ chồng tôi sang tên ngôi nhà cho cô ấy để cầm cố ngân hàng lấy tiền trả món nợ 800 triệu đồng từ hồi Tú đang sinh sống. Chúng tôi ngạc nhiên bởi sau khi con trai mất nhiều năm, con dâu không hề đề cập nợ nần, nay lại nhắc tới", bà Vân nói.
Theo bà Vân, khi hai ông bà yêu cầu xem các hồ sơ vay nợ, con dâu bảo trước đó có vay ngân hàng, sau đó đi vay ngoài để trả, do đó chưa thể cung cấp giấy tờ.
"Chúng tôi sẵn sàng sang tên ủng hộ hiến tặng tất cả cho cháu trai với điều kiện Hoa không được cầm cố hoặc bán ngôi nhà. Có thể do yêu cầu đó không được chấp thuận nên Hoa kiện ra tòa", bà Vân cho hay.
Khoảng cuối tháng 7, chị Hoa gửi đơn lên TAND TP Hà Tĩnh đề nghị phân xử. Sau hai phiên hòa giải bất thành, tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên qua hai lần mời, bị đơn là ông Nam và bà Vân đều gửi đơn xin vắng mặt vì lý do bị bệnh tuổi già (huyết áp và thiểu năng vành tim).
Thẩm phán Trần Đức Chính, chủ tọa phiên tòa, cho hay việc mở lại phiên tòa lần thứ 3 vào 10/12 là bởi các bị đơn không có đơn xin hoãn.
Trò chuyện với VnExpress, chị Hoa cho hay cực chẳng mới phải đi kiện và việc này có lợi cho tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Chị muốn chia quyền thừa kế tài sản, không có ý tranh giành với ai.
"Tôi không có ý định là lấy hết ngôi nhà và cũng không biết sẽ được hưởng bao nhiêu phần sau khi tòa phân xử. Đối với bố mẹ chồng, tôi vẫn xem như bố mẹ mình, từ trước tới nay đều sống tình cảm", chị trình bày.
Người phụ nữ 34 tuổi chia sẻ những năm qua đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống. Việc chị trụ vững trước mọi biến cố từ khi chồng mất là "cố gắng cực lớn".
"Sau khi chồng mất, bìa đỏ đứng tên anh. Tài sản đó tới nay chưa ai thừa kế thì tôi đưa ra pháp luật phân quyền thừa kế là một việc làm đúng. Khi đó 4 người gồm tôi, con trai và bố mẹ chồng sẽ được tòa phân chia, được chia bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu", góa phụ trải lòng.
Đáp lại ý định muốn tòa phân xử của con dâu, trao đổi với VnExpress, vợ chồng bà Vân vẫn muốn chị Hoa thay đổi ý định. Nếu chị rút đơn kiện, ông bà sẽ chuyển nhượng mảnh đất cho cháu trai đứng tên. "Nếu trường hợp con dâu cương quyết, chúng tôi sẽ theo kiện để lấy một nửa phần đất để làm nơi thờ tự con", bà Vân nói.
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Tĩnh cho hay, trong vụ việc này, xét về mặt pháp luật thì chị Hoa có quyền khởi kiện, yêu cầu này hoàn toàn có căn cứ. Các bất động sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi chồng qua đời, nếu không để lại di chúc thì tài sản và số nợ chung sẽ được chia đều cho vợ, con trai, bố mẹ chồng. Trong trường hợp này, 4 người đều có suất như nhau. Khi không thỏa thuận được, một trong 4 người có quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi cho mình. Theo luật sư, nếu bị đơn sức khỏe yếu, tòa không cần thiết phải yêu cầu có mặt mà có thể xử vắng mặt. |
Đức Hùng
* Tên các nhân vật đã được thay đổi.
from Pháp luật - VnExpress RSS http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/bo-me-chong-ngat-xiu-khi-hau-kien-vu-con-dau-doi-chia-nha-3327220.html
Cùng xem Tủ bếp Laminate với các mẫu hiện đại, mới nhất
0 nhận xét:
Đăng nhận xét